Não bộ của chúng ta phải chăng chỉ có một sức chứa giới hạn hay là vô hạn là một câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra. Đôi khi chúng ta luôn tự hỏi rằng, nếu như việc nhìn thấy và lưu giữ những hình ảnh, kiến thức với mức độ lớn và liên tục như vậy, liệu một ngày bộ não của chúng ta có hết chỗ chứa hay không?
Không giống như những chiếc thẻ nhớ hay USB chỉ có dung lượng lưu trữ cao nhất là 128gb. Thực tế bộ não của chúng ta dường như có sức chứa vô hạn.
Các nhà thần kinh học từ lâu luôn cho rằng năng lực trí nhớ của con người có thể sẽ chỉ đạt đến một mức nào đó. Tuy nhiên hàng loạt những kỷ lục phi thường của những người bỏ công tập luyện hay những người có não bộ đặc biệt trong thời gian qua đã khiến họ phải nghĩ khác.
Chao Lu, một sinh viên người Trung Quốc có thể nhớ được con số dài 67.980 ký tự của số pi trong một màn trình diễn vào năm 2005. Chao đã đọc ra dãy số này trong vòng 24 tiếng đồng hồ và thiết lập nên một kỷ lục thế giới mới.
Hay thậm chí những người có học thức sâu rộng như các nhà khoa học, giáo sư đều có một bộ nhớ siêu đẳng khi lưu giữ được các tiểu tiết rất nhỏ về tên tuổi, ngày tháng đến chi tiết của từng khung cảnh phức tạp.
Trong bộ não con người khoảng 100 tỷ neuron thần kinh và trong số đó chỉ có khoảng một tỷ neuron đóng vai trò bộ nhớ lưu trữ lâu dài, và chúng được gọi là các tế bào pyramid.
Nếu giả định rằng một neuron thần kinh là một đơn vị bộ nhớ bằng với 1gb (gigabyte) thì dù có đạt tới con số rất lớn là 1 tỷ gigabite thì bộ não trên thực tế vẫn có giới hạn.
“Nếu chúng ta có số lượng đơn vị trí nhớ bằng với số neuron thần kinh thì nó cũng không phải là một con số lớn,” ông Paul Reber, giáo sư tâm lý học ở Đại học Northwestern, nói. “Não bộ chúng ta sẽ mau chóng hết chỗ.”
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng trí nhớ hình thành bằng sự liên kết kết giữa các neuron và ngay giữa các hệ thống neuron khác nhau.
Mỗi neuron sẽ liên kết thành những nhánh giống như toa tàu cuộn với khoảng 1.000 neuron tế bào thần kinh khác.
Cấu trúc này khiến cho thành phần làm nên trí nhớ có khắp trên một mạng lưới chằng chịt. Do đó mà một khung cảnh như bầu trời xanh sẽ được sử dụng cùng một lúc trong nhiều khung cảnh ký ức khác nhau một cách tiết kiệm và hợp lý.
“Theo ước tính thì bộ nhớ não người có dung lượng vào khoảng vài petabyte,” (1 petabyte bằng 1 triệu gigabyte) giáo sư Reber cho biết. Một petabyte tương đương với dung lượng các bài hát MP3 chơi liên tục trong 2.000 năm.
Tất nhiên, cơ chế lưu trữ của bộ não hoàn toàn khác so với các ổ lưu trữ bộ nhớ trong cuộc sống hàng ngày nên việc so sánh như trên có lẽ chỉ mang tính tương đối.
Mặc dù vậy, việc luyện tập để có thể phát huy khả năng nhớ của não bộ là điều hoàn toàn thực tế. Đã có nhiều người chỉ là người bình thường nhưng đã bỏ thời gian tập luyện não bộ để có thể nắm giữ và lục lại những thông tin có chọn lọc.
Nelson Dellis, nhà vô địch trong cuộc tranh tài trí nhớ ở Mỹ, thừa nhận rằng trí nhớ của anh rất tệ trước khi anh tự huấn luyện mình. Sự tập luyện đã làm nên sự khác biệt.
Vậy tại sao chúng ta không thể nhớ rõ ràng chi tiết của những sự việc chỉ vừa xảy ra trong ngày?
Reber từ Đại học Northwestern cho rằng não bộ của chúng ta không phải là không đủ sức chứa mà vấn đề là tốc độ xử lý.
“Không phải não bộ chúng ta hết chỗ chứa,” Reber giải thích. “Các thông tin đến với chúng ta ở tốc độ nhanh hơn là khả năng ghi nhớ”. Bởi vậy bộ não chúng ta sẽ chỉ kịp ghi lại những gì được cho là có sự nổi bật, ấn tượng và gần gũi với đặc tính chung của từng người hơn.
Đinh Hỷ